Lại Tết

 ‘Tết nhất làm chi, ai bày tết nhất làm chi?

Lo quần lo áo, lo đi chạy tiền

Người người vui tết (chứ) liên miên

Riêng tôi nghĩ tết, mà điên cái đầu

Lo nhiều (mà) đến nỗi mọc râu.” Kha kha

Hồi bé mỗi khi Tết đến nghe bài này của ban nhạc AVT cứ thấy vui vui. Vui vì cái giai điệu và ngôn từ tếu tếu của các bác chứ chả để ý đến ý tứ của bài hát vì bé quá có hiểu gì đâu. 

Lớn lên tí, nghĩ mình thích tết vì nhiều thứ chẳng mấy liên quan đến tiền bạc xa xỉ.

Cái tiết trời hanh hanh, làn gió nhẹ, mùi khói của bếp bánh chưng, của đám lá đốt ven đường, mùi hương trầm ba đốt, đám mai vàng ngoài sân, khúc nhạc xuân, việc cả nhà xum họp bên các hoạt động ngày tết là đã thấy lòng dạ hoan hỉ, là đã thấy xuân rồi.

Là lúc dọn tủ trà. Nhà có cái tủ trà ở phòng khách, dọn tủ trà là một trong những  “hoạt động” chuẩn bị đón tết. Với nhà mình nó còn giống như nghi thức trưởng thành 🙂 vì nó được bàn giao từ lớn xuống bé he he.

Đầu tiên là chị Yến. Chị Yến vào dòng thì đến chị Phượng, chị Phượng đi lấy chồng thì đến mình, rồi đến Út Trang.

Công cuộc lau dọn tủ trà cũng mất cả buổi vì trong đó hàng tỷ thứ. Từ những tách trà xưa, chung rượu bé tí, những chai rượu của ba, đến những vật trang trí từ năm này sang năm khác, cần phải lau bụi và sắp xếp lại. Lau một hồi bắt đầu mất kiên nhẫn mới thắc mắc sao ngày thường không lau cứ phải tết mới “chịu” lau? Xong phải mở nhạc xuân từ cái cassette cũ ra nghe để lấy tinh thần mà lau.

Vậy nhưng lúc dọn xong, nhìn cái tủ trà sạch bóng, gọn gàng, công nhận thật thích, thật bõ công!

Là khi ba chị em hì hụi làm mứt để đến tết tiếp khách. Chị Phượng hay làm mứt mãng cầu, mứt cà chua, mình thì chuyên trị đậu xanh sên khô gói lại bằng giấy kiếng thành những viên kẹo xinh xắn đủ màu, cắt tua tua 2 đầu. Món này năm nào cũng có vì không chịu học làm món mới, thành ra nó nghiễm nhiên trở thành món truyền thống của nhà mình kha kha kha

Là phút giao thừa khi nghe tiếng pháo ngoài cổng nổ dòn mà ba đốt khi đi xuất hành về và xông đất. Pháo nổ đì đùng suốt 3 ngày tết, lúc dồn dập, lúc lác đác. 

Nhớ năm 1979 là tết cuối cùng ba xông đất cho nhà mình, năm ấy ba mặc chiếc áo sơ mi và áo khoác đen. 

Sau này, chính xác là từ năm 1995 không còn pháo nữa. Mặc dù những hệ luỵ của pháo không phải là ít. Năm trước đó Bo chưa đầy tháng. Giao thừa phải bế Bo xuống bếp trốn tiếng pháo trong khi hai tai Bo nhét đầy bông gòn 🙂 Nhưng không có pháo, tết không còn đủ màu sắc như xưa. Buồn man mác.

À  mà tết vui hay buồn?

Trong cái rộn ràng, cái vui vẻ ngày tết, xuân lúc nào cũng có hơi hướng buồn buồn. 

Không biết vì sao nữa!

Hay tại “xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua,  xuân đang non nghĩa là xuân sắp già”?

Tại “mồng hai là hết tết”?

Đừng nghĩ vậy thì sao?

“Xuân khứ xuân lai xuân bất tận

Xuân đi xuân lại hãy còn xuân” (AVT)

Vậy thì cứ hãy vui tết, đón xuân đừng nghĩ ngợi gì sất. Hưởng xuân từ lúc gần tết đến lúc qua tết.

Tết có mấy ngày, còn xuân thì cả mấy tháng 🙂

Nên hết tết hãy còn xuân. Mà xuân đi rồi xuân lại đến, hà cớ chi mà buồn bà con ới! 🙂 😉

Comments

Popular posts from this blog